Tuesday, March 10, 2015

Hồi ký Dương Văn Ba: Những Ngã Rẽ – Chương 7: : NHỮNG MỐI LIÊN LẠC

Quan hệ với Mặt Trận Giải Phóng tỉnh Bạc Liêu

Quan hệ với người Hoa trong Chợ Lớn
Lúc tôi giữ chức vụ Đệ nhất Phó Tổng thư ký Hạ Nghị Viện, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tuần báo Đại Dân Tộc, không phải chỉ có bà Jacqueline, chị vợ Tổng Thống Thiệu và ông Nguyễn Cao Thăng chủ hãng thuốc OPV liên hệ riêng với tôi. Sau Tết Mậu thân, khoảng tháng 4-1968, MTDTGP miền Nam tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng có cử người quan hệ móc nối tôi. Người trực tiếp làm việc đó, thân cận với tôi, nhà sư trẻ Thích Quảng Thiệt tục danh Nguyễn Thái Hạo.
Quảng Thiệt mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng ăn nói hoạt bát, khéo giao dịch. Màu áo già lam mở rộng nguồn giao du đi lại của ông ta với chính quyền. Cửa Dinh Tỉnh trưởng thỉnh thoảng mở rộng đón ông ta vào để nghe tường trình về nguyện vọng của dân. Lợi dụng nhãn hiệu thầy tu, Quảng Thiệt chơi với đủ hạng người trong xã hội. Từ Phó Trưởng ty Công an Bạc Liêu phụ trách Cảnh sát Đặc biệt Đặng Thành Lý tới Đại tá Tỉnh trưởng Bạc Liêu, các sĩ quan an ninh tiểu khu, an ninh Sư đoàn 21, đâu đâu cũng có vóc dáng đi lại của nhà sư trẻ. Miệng luôn luôn lớn tiếng giải bày các oan ức của dân, Quảng Thiệt lúc đó cũng là cái loa tuyên truyền cho các hoạt động dân cử của tôi. Nhưng sâu sắc hơn, Quảng Thiệt âm thầm nhiều lần đi vào bưng dự các cuộc họp của Ban Dân vận Măt Trận với tư cách đại diện tôn giáo. Mỗi lần đi về Quảng Thiệt đều có nói nhỏ cho tôi nghe. Có lần Thiệt nói: “Chú Ba Quốc, chú Năm Quân đánh giá tốt vai trò dân biểu của anh. Các chú nói anh cứ đà ấy tiếp tục làm. Các chú muốn gặp trực tiếp anh để bàn cụ thể về tình hình”. Tôi trả lời: “Gặp họ tôi sẵn sàng nhưng phải tìm lúc thuận lợi và phải ngụy trang khéo. Để bọn an ninh Sư đoàn 21, bọn Phòng Nhì tiểu khu biết được là không hay. Tạm thời có cần gì xin họ cứ nói qua Thầy”.
Lúc đó trong khu cần vài cái máy radio cassette, mấy cái loa phóng thanh, tôi mua và giao cho Quảng Thiệt bí mật chuyển đi, kể cả máy chụp hình. Tôi còn nhớ rõ: Má tôi hiện nay đã có lúc hoạt động cho kháng chiến thời chín năm. Việc tôi gián tiếp ủng hộ phần nào cho Việt cộng cũng chẳng có gì xấu. Tôi nhớ ngoài Thích Quảng Thiệt, còn có một cô giáo lớn tuổi, gốc người Bắc dạy ở trường Xóm Làng, cô cũng bí mật giao dịch với tôi về ý muốn của “những người bên trong”. Tôi ngầm ủng hộ cô giáo những gì cô cần. Thậm chí có lúc can thiệp với Quận trưởng Lâm Quang Thới thả một vài người của Việt cộng Quận Vĩnh Lợi theo gợi ý của cô giáo.
Đến tháng 7-1968, do móc nối với Quảng Thiệt tôi đi Cần Thơ gặp chú Năm Quân ở khu vực cầu Tham Tướng. Chú Năm, một con người trắng trẻo, to con ăn nói hoạt bát, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng – Bạc Liêu. Chú nghe tôi nói về lập truờng chống chiến tranh và đòi hỏi hoà bình, chú khen tôi đã lựa chọn đúng đường, yêu cầu tôi tiếp tục mạnh dạn đi theo con đường đó. Chú nói: “Anh Tám Bí thư Khu ủy rất thích những bài báo chú viết trên Tin Sáng. Anh Tám giao cho Tỉnh ủy Bạc Liêu – Sóc Trăng quan hệ với chú”. Tôi đồng ý liên lạc với chú Năm thông qua Thầy Quảng Thiệt. Đó là lần gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và cán bộ cao cấp của Mặt Trận. Sau đó tôi rất giữ ý. Có gì chỉ thông qua Thầy Quảng Thiệt, bên trong có nhắn gửi gì, có yêu cầu gì cũng do Quảng Thiệt truyền đạt lại. Lúc đó tôi nghĩ, quan hệ với Mặt Trận ở mức độ đó là tốt, làm cho họ hiểu lập trường hoà bình của một số anh em trí thức Sài Gòn, điều cần làm. Việc ủng hộ lặt vặt của tôi về tài chinh, vật chất không quan trọng, quan trọng là xác định với họ rằng ở Hạ Nghị viện Sài Gòn có những người đồng tình với quan điểm tranh đấu cho độc lập dân chủ của MTGPMN.
Trong cuộc gặp ngắn ngủi, tôi không được giao nhiệm vụ chính thức của một cán bộ, họ đối xử với tôi như thêm một thành phần có cảm tình hỗ trợ cho họ trong cuộc đấu tranh chính trị. Quan hệ đó tôi và chú Năm Quân giữ mãi đến ngày giải phóng miền Nam.
Lập trường đấu tranh cho hoà bình của tôi cũng có lợi cho MTDTGP.
Trong cuốn sách viết về lịch sử thành lập MTDTGPMN Việt Nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng chủ biên, ông Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư Đảng CSVN cố vấn chỉ đạo (người đã ra lệnh bắt tôi bỏ tù vào cuối năm 1987) cũng có mấy dòng ghi nhận thái độ chính trị của tôi là có lợi cho hoà bình.
Trong cuốn hồi ký về giai đoạn thương thuyết ở Paris của bà Nguyễn Thị Bình, ông Dương Đình Thảo, phát ngôn viên của Phái đoàn MTDTGPMN có viết vài dòng là Dương Văn Ba đã có gửi nhiều tài liệu bí mật cho đoàn thương thuyết hoà bình của ông từ năm 1968 đến 1972. Nhờ đó ông nắm bắt một số tin tức chính xác làm chứng liệu đấu tranh trong những cuộc họp báo của Đoàn Đại diện MTDTGP tại Paris. Tôi làm thế nào để gửi các tài liệu cho anh Dương Đình Thảo?
Thực tế lúc đó tôi không quan hệ trực tiếp với anh Thảo, cho dù đầu năm 1969, tôi cùng ông Trương Gia Kỳ Sanh dân biểu tỉnh Phan Thiết, có một lần tham gia cuộc họp báo của ông Dương Đình Thảo với tư cách người của Việt Nam Cộng hoà.
Các tài liệu của tôi được gửi cho nhà báo Mỹ trẻ tuổi tên John Spragens (1944-2013). Anh nhà báo Mỹ này hàng tuần đều vào Ban Liên hợp Quân sự 4 bên, săn tin và dự các cuộc họp báo. Chính John Spragens đã mang các tài liệu báo chí của tôi cho Thiếu tá Phương Nam, phát ngôn viên của Đoàn đại diện Mặt Trận trong Ban Liên Hợp Bốn Bên tại Sài Gòn. Thiếu Tá Phương Nam nhận thấy những tài liệu có lợi mới chuyển qua Paris và anh Thảo đã khai thác các tài liệu đó. Thiếu tá Phương Nam thỉnh thoảng có gửi John Spragens mang cho tôi mấy gói trà Bắc và bánh cốm xanh. Không biết vô tình hay cố ý, John Spragens hàng tuần trở thành giao liên của tôi và anh Phương Nam. Sau giải phóng, Phương Nam làm Phó Trưởng Ban Ngoại vụ của Thành phố, tôi và anh gặp nhau lần đầu, chưa biết mặt nhau nhưng mới nghe tên đã tay bắt mặt mừng. Anh Phương Nam kể lại: “Hồi đó các tài liệu của anh chúng tôi sử dụng rất có hiệu quả”.
Chiến tranh chấm dứt, nhà báo John Spragens về nước. Giữa năm 1977 anh có trở lại Sài Gòn cũng với tư cách nhà báo Mỹ. Lúc đó tôi giữ nhiệm vụ Phó Tổng biên tập thường trực của nhật báo Tin Sáng (bộ 2 sau giải phóng). Tôi phụ trách mảng thời sự, chính trị kinh tế. Gặp tôi trở lại hình như anh không được vui vẻ cho lắm. Anh ta cũng quen với Hồ Ngọc Nhuận, lúc đó chỉ mới quen Ngô Công Đức. Tôi có cảm giác anh ta không hài lòng lắm về những gì mà chúng tôi đang làm ở báo Tin Sáng (bộ 2)

Những quan hệ với nguời Hoa Chợ Lớn
Ở Hạ nghị viện ngay từ những tháng đầu, tôi chơi khá thân với dân biểu Trương Vĩ Trí, cùng tuổi với tôi nhưng lớn hơn vài tháng. Anh gốc người Hoa ở Rạch Giá. Gia đình anh gồm một số nhà kinh doanh lớn: Trương Dĩ Nhiên, người anh thứ tư của Trí kinh doanh về ngành chiếu bóng, đầu tư tại rạp hát Victory và rạp Hảo Huê, nghề chuyên môn của Nhiên: lồng âm thanh phụ đề Việt ngữ những bộ phim Hongkong và Đài Loan. Người anh thứ hai của Trí là Trương Vĩ Hùng, kinh doanh ngân hàng và tài chính, một Hoa thương có cỡ trong bang hội của người Hoa Tiều Châu. Trương Vĩ Trí học Trung học Yersin Đà Lạt, sau đó học trường Quốc Gia Hành Chính. Người thẳng thắn và ham mê hoạt động chính trị. Vì gốc sinh viên Quốc Hia Hành Chính nên Trí kính trọng giáo sư Nguyễn Văn Bông, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, anh ta đi theo con đường chính trị do hai người này vạch ra. Nhưng chính trị chỉ đóng một vai trò nhỏ trong sinh hoạt của Trí. Vấn đề lớn của anh ta là hoạt động cho giới người Hoa. Trí được sự hỗ trợ của Bang Hội Tiều Châu – Sài Gòn – Chợ Lớn.
Một kỷ niệm giữa tôi và Trí, sau ngày giải phóng, Trí rất hoang mang về số phận tương lai của mình. Có lần trong tháng 5-1975 anh gặp tôi than thở: “Moirất lo cho số phận của moi, không biết chính quyền cộng sản sẽ đối xử với mình ra sao. Tối hôm qua,moi nằm chiêm bao thấy ác mộng: một con cọp dữ chận moi dọc đường vồ lấy người moi”. Giấc mộng đó làm Trí hãi hùng, và chừng mấy ngày sau anh được lệnh gọi đi học tập cải tạo. Thời gian học tập cải tạo của Trương Vĩ Trí bạn thân của tôi 12 năm trời, không biết anh đã trải qua bao nhiêu gian khổ. Khoảng giữa tháng 12-1987 tôi được tin Trí và Trần Cảnh Chung (nguyên Trưởng ty Cảnh sát quận 5, nguyên dân biểu tỉnh Long An) đã đi học tập cải tạo xong được thả về nhà. Ngày 25-12- 1987, tôi có chương trình đi thăm 2 người bạn cũ sau hơn 12 năm xa cách. Nhưng ngày đó cũng là một ngày định mệnh đen tối của tôi: tôi bị Tổng Cục An ninh Bộ Nội vụ thi hành lệnh của ông Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư, bắt tôi lúc 10 giờ 30 sáng tại số 10 Đinh Bộ Lĩnh quận Bình Thạnh TPHCM.
Coi như số trời không cho tôi gặp lại 2 người bạn cũ. Trong thời gian tôi ở tù, 2 người bạn đó đã có giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ theo diện HO. Đã hơn 28 năm chúng tôi không gặp lại nhau. Trí và Chung là những thanh niên trí thức, tấm lòng trong sáng dù họ làm bất cứ điều gì, đứng bất cứ ở vị trí nào trong xã hội, họ luôn là những người bạn lương thiện, có tâm huyết. Tôi viết những dòng này qua cuốn sách gửi tới họ những cái bắt tay, những lời chào của tình bạn không thể nào quên, dù từ nay đến cuối đời chưa chắc gặp lại nhau.
Vào một ngày trong tháng 10-1968 “bác Hai” của tôi, ông Trịnh Tài Nguyên, Chủ tịch Liên hợp Hợp tác xã Toàn quốc của Việt Nam Cộng hoa, dẫn một người bạn xấp xỉ tuổi của ông, tên là Trầm Đức Quang, người Hoa, gốc Vĩnh Châu, đến gặp tôi ở Hạ nghị viện.
Tôi xin nói vài dòng về bác Trịnh Tài Nguyên. Ông là một địa chủ khá giả ở Trà Nho, quê ngoại của tôi. Bác Hai rất đẹp người, phong cách sang trọng tao nhã. Ông là một người có tên tuổi, có uy tín ở toàn quận Vĩnh Châu. Thời Pháp thuộc, bọn Tây cầm quyền ở xứ Trà Nho cũng phải kính nể ông. Những năm cuối cùng của bậc trung học, tôi ở trọ tại nhà của bác Hai số 115/1 đường Phát Diệm, quận 1, nay là đường Trần Đình Xu. Bác Hai rất thích tôi và tôi kính mến bác như người cha đỡ đầu. Sự khôn ngoan, từ tốn, phong cách tao nhã của bác Hai đến nay vẫn còn để lại ấn tượng trong lòng tôi. Dù tôi đã hơn 60 tuổi, mà lòng quý mến vẫn như thuở còn học sinh.
Bác Hai Trịnh Tài Nguyên dẫn ông Trầm Đức Quang đến thăm tôi và giới thiệu: “Đây là một người bà con ở Vĩnh Châu, quê ngoại của cháu. Chú Quang buôn bán lớn ở quận 5, có theo dõi thời sự hàng ngày. Qua báo chí, chú Quang mến cháu, yêu cầu bác giới thiệu cháu với chú. Bác dẫn chú Quang đến để hai người đồng hương gặp nhau, bác hi vọng chú Quang với kinh nghiệm, có thể giúp cháu được nhiều thứ”.
Tôi cám ơn bác Hai Nguyên, bày tỏ tình cảm biết ơn đối với chú Quang và xin được nhận làm em cháu trong trường đời. Sau buổi gặp đó, giữa tôi và chú Quang, mối giao hảo trở nên thân thiết lần lần. Tôi có vào nhà của chú Quang ở cuối đường Nguyễn Trãi, quận 5 thăm hỏi, chơi thân với các con ông. Chú Quang có dẫn tôi giới thiệu với ông Trần Thành, một “Đại cái bang” của Hội người Tiều châu trong Chợ Lớn. Ông Trần Thành là chủ hãng bột ngọt Vị Hương Tố chủ nhiều cơ sở kinh doanh lớn. “Đại gia Trần Thành” nhiều lần thông qua chú Quang ủng hộ tài chinh cho tôi, đặc biệt vào kỳ bầu cử 1971-1975, ông Trần Thành ủng hộ tôi 200 ngàn đồng trị giá lúc đó là 6 lạng vàng. Riêng chú Quang là chủ một tiệm buôn xi măng lớn, cứ vài ba tháng chú cho tôi vài chục ngàn đồng. Sau thời gian 1972, lúc đó tôi phải trốn sự đuổi bắt của Nguyễn Văn Thiệu, bất cứ khi nào tôi cần trợ giúp tài chinh, chỉ một lá thư, vợ tôi mang vào Chợ lớn, chú Quang giúp đỡ ngay. Trong cuộc đời của tôi, sự ủng hộ của chú Quang gần như vô điều kiện. Đó là một sự ủng hộ của một người lớn tuổi đồng hương. Sau này tôi được biết thêm, ông nội của chú Quang là bạn chiến đấu của ông cố ngoại tôi ở Quảng Đông. Hai vị này nằm trong số bốn người đóng bè vượt biên về Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 sau khi bị triều đình Mãn Thanh truy đuổi, kết án tử hình.
Chú Trầm Đức Quang rất có uy tín trong giới Hoa thương người Tiều ở Chợ lớn. Ông là Chủ tịch Hội người Hoa bảo trợ bệnh viện Triều Châu (bịnh viện An Bình). Sau giải phóng 1975, chú Quang vẫn tích cực hoạt động bảo trợ cho bệnh viện An Bình. Nhưng đùng một cái đến khoảng giữa 1976, chú Quang và con trai ông bị công an TPHCM bắt giam với tội danh “cán bộ gián điệp của cộng sản Trung Quốc”. Chú Quang bị giam ở Chí Hoà trong những phòng giam đặc biệt dành cho những người trọng tội về chính trị. Mãi đến cuối năm 1980, tôi hay tin ông và con trai được trả tự do. Vài tháng sau đó tôi vào thăm ông (lúc đầu chưa dám vào vì sợ bị tình nghi theo dõi có quan hệ với gián điệp Trung Quốc). Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, tôi bỗng nổi máu “cóc cần”, chú Quang là cô bác của tôi, có ơn nghĩa với tôi, làm người tôi có bổn phận đi thăm sau khi ông ở tù ra. Trớ trêu thay, ngày tôi vào thăm ông cũng là ngày chú Quang và Thím của tôi sửa sọan vali để đi về Trung Quốc (chính quyền lúc đó theo yêu cầu của phía Trung Quốc, sắp xếp cho chú Quang cùng gia đình ra Hà Nội, từ Hà Nội họ đưa gia đình ông về Quảng Châu).
Nhớ lại những ngày cuối cùng của tháng 4-1975, giữa tôi và chú Quang liên lạc thường xuyên bằng điện thoại, dù tôi vẫn còn trốn trong tư dinh Tướng Dương Văn Minh. Đến ngày 26-4-1975 tôi và chú Quang gặp nhau ở một quán ăn lớn trên đường Tổng Đốc Phương. Lúc ấy đã sắp giải phóng, Tướng Dương Văn Minh sắp được Mỹ trao quyền lãnh đạo miền Nam. Chú Quang có hỏi: “Cháu có biết ông Minh định sắp xếp chính phủ như thế nào không?”. Tôi báo cho chú biết: Ông Vũ Văn Mẫu được Tướng Minh cử làm Thủ tướng. Ông hỏi: “Đô trưởng Sài Gòn là ai?” Tôi trả lời: “rất có thể là Hồ Ngọc Nhuận” “Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia là ai?” “có lẽ là Triệu Quốc Mạnh.”- “Còn cháu sẽ làm gì?” Tôi nói: “Thứ trưởng Bộ Thông tin hoặc Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Còn nếu có thể tiếp tục thương thuyết với MTGP, luật sư Trần Ngọc Liễng được ông Dương Văn Minh chọn làm Quốc vụ khanh phụ trách thương thuyết. Luật sư Trần Ngọc Liễng dự định chọn tôi làm trợ lý cho ông và là phát ngôn viên của phái đoàn thương thuyết của Chính phủ Dương Văn Minh”. Chú Quang nói: “Nếu Hồ Ngọc Nhuận làm Đô trưởng Sài Gòn hoặc làm Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia thì tốt”.
Đó là những mẩu đối thoại chính trị cụ thể của tôi và chú Quang về tình hình Sài Gòn mấy ngày trước khi Sài Gòn giải phóng. Trước đó ít khi nào chú Quang đi sâu vào tình hình chính trị với tôi. Ông than thở: “Chính quyền Sài Gòn thúi nát quá, chú làm thương gia phải quan hệ với họ đủ điều để có thể bình yên làm ăn”. Chú nói thêm: “Ngay cả Đại tá Trần Cảnh Chung Trưởng Ty cảnh sát quận 5 cất nhà lầu ở số 305 Trần Bình Trọng, nó cũng vào đây xin chú cho xi măng.” Sau giải phóng, lúc chú Quang bị bắt tôi mới được biết ông là một cán bộ chính trị của Cộng sản Trung Quốc. Trước đó, tôi chỉ nghĩ ông quan hệ với tôi vì tình đồng hương và vì ông nội của ông là bạn chiến đấu với ông cố ngoại của tôi.

Mời xem lại: 
Hồi ký Dương Văn Ba: Những Ngã Rẽ 

No comments:

Post a Comment